MỘT NGÀY Ở BẢN MƯỜNG GIANG MỖ
0 Comment
MỘT NGÀY Ở BẢN MƯỜNG GIANG MỖ
Chỉ mất chừng khoảng 3 giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi đã rời xa Hà Nội ồn ào để đến với không gian yên tĩnh của người Mường. Bản Giang Mỗ thanh bình nằm nép mình dưới chân núi Mỗ là nơi cư trú của khoảng 100 gia đình dân tộc Mường. Đường vào thăm bản không phải leo trèo khó khăn như tôi vẫn hình dung khi nghĩ về địa bàn cư trú hẻo lánh của đồng bào các dân tộc thiểu số.
(LHV) Chỉ mất chừng khoảng 3 giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi đã rời xa Hà Nội ồn ào để đến với không gian yên tĩnh của người Mường.
Bản Giang Mỗ thanh bình nằm nép mình dưới chân núi Mỗ là nơi cư trú của khoảng 100 gia đình dân tộc Mường. Đường vào thăm bản không phải leo trèo khó khăn như tôi vẫn hình dung khi nghĩ về địa bàn cư trú hẻo lánh của đồng bào các dân tộc thiểu số. Toàn bộ con đường nhỏ ngoằn ngoèo đưa chúng tôi đến với khoảng 100 nếp nhà sàn xinh xắn đã được lát bê tông sạch sẽ. Sự xuất hiện của mấy đoàn khách du lịch nước ngoài giúp chúng tôi hiểu rằng bản Giang Mỗ (thuộc xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng.
Chúng tôi chạy xe máy một vòng từ đầu đến cuối bản để có được một hình dung chung về nơi này. Để xe ở dưới gầm nhà sàn của một gia đình ở cuối bản, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ để tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống của người dân. Ấn tượng đầu tiên và có lẽ sâu sắc nhất đối với tôi là nụ cười thân thiện mến khách của dân bản. Đi đến đâu chúng tôi cũng được chào đón bằng những nụ cười và lời chào của họ “Mời khách lên nhà chơi uống nước”. Mặc dù lúc đó đã gần 11 giờ trưa và một số gia đình đang ăn trưa, nhưng những liếp cửa sổ giúp họ nhận ra sự xuất hiện của chúng tôi và họ đều ngó ra chào mời.
Chúng tôi leo lên những bậc thang gỗ đơn sơ vào thăm một vài gia đình. Ngoài nước trà, một số người còn mang rượu, hoa quả và bánh nếp mời khách. “Chuối đây nhà chị trồng ở sau vườn đấy, các em ăn đi”, một chị tên Bình mang nải chuối ra mời chúng tôi. Mặc dù sự phát triển của du lịch đã mang tới cho dân bản đời sống no đủ, văn minh hơn, con cái đều được học hành dưới thị xã, nhưng những đặc trưng trong cách sống, phong tục của người Mường cổ vẫn được gìn giữ và duy trì.
Dù đã mang theo một ít thức ăn nhanh cho bữa trưa, chúng tôi vẫn đặt chị Bình làm cho một con gà luộc. Chị chạy sang gọi một bác hàng xóm giúp mình bắt con gà mái ghẹ ngoài vườn. Trong khi chị nấu ăn ở gian bếp sát cạnh, chúng tôi ngồi ngắm nghía gian phòng khách. Gian phòng rộng, đồ đạc rất ít nhưng khá sạch sẽ gọn gàng. Ở giữa phòng, phía bên trên chỗ chúng tôi ngồi là chiếc bàn thờ lớn. Trên bức tường gỗ đối diện treo một số hàng lưu niệm gồm khăn, túi, áo thổ cẩm, một số loại nhạc cụ dân tộc… Chăn chiếu được gác ngăn nắp lên hai cái xà nhỏ ở góc phòng và đến tối gian phòng này lại trở thành phòng ngủ cho cả nhà.
Mùi thơm ở gian bếp bên cạnh thu hút chúng tôi sang đó. Trên chiếc kiềng sắt 3 chân lom dom củi lửa, nồi gà luộc đang sôi lục bục. Trong lúc đó chị chủ nhà đang sắp mâm bát. Mặc dù chúng tôi chỉ gọi món gà luộc nhưng chị chủ mến khách còn bày ra dưa cải muối với đu đủ, măng muối ớt, cải ngồng luộc và một chai rượu chuối mời khách. Chúng tôi đang ăn thì chồng chị, anh Kha, đi đâu về. Anh Kha vui vẻ ngồi uống chén rượu với chúng tôi.
“Ở đây bọn mình đón khách thường xuyên lắm”, anh nói. “Khách đến thì mình mời lên nhà uống nước uống rượu, có hoa quả gì thì mời khách ăn cho vui. Mặc dù có làm dịch vụ du lịch nhưng bọn mình không bao giờ cố nài nỉ khách mua đồ lưu niệm hay ở lại thuê phòng ngủ, bọn mình muốn để khách cảm thấy thoải mái”.
Tạm biệt nhà chị Bình vào đầu giờ chiều, chúng tôi lại tha thẩn trên con đường nhỏ ngắm cảnh làng bản thanh bình. Đâu đây nghe văng vẳng làn điệu mượt mà của một bài dân ca Mường. Bọn trẻ chỉ cho tôi nhà có tiếng hát. Thì ra đội văn nghệ của bản đang hát phục vụ một đoàn khách Nhật. Dù không hiểu tiếng Mường, nhưng đoàn khách và cả chúng tôi đều chăm chú nghe và nhìn một cách thích thú.
Chúng tôi rời bản Giang Mỗ khi cái nắng chiều cuối xuân đã tắt sau dãy núi. Một số người dân đã vác cuốc, dắt trâu và gùi củi từ rẫy về nhà. Đã lác đác có khói lam chiều bốc lên từ một số căn bếp nhỏ hứa hẹn một buổi tối sum vầy đầm ấm.